Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Cách "tháo hàng" lạ của các chủ đầu tư

Từng nổi tiếng với những vụ khiếu kiện của hàng trăm khách hàng trong suốt 2 năm qua, Dự án Văn Phú Victoria (quận Hà Đông) của chủ đầu tư Văn Phú Invest mới đây lại gây ồn ào với chiêu bán hàng có cam kết mức phạt chậm tiến độ.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải chịu mức phạt lên đến 20% giá trị hợp đồng, nếu chậm bàn giao nhà so với cam kết trong hợp đồng.
Giới đầu tư cho rằng, đây chỉ là chiêu PR bán hàng để đẩy lượng hàng tồn doanh nghiệp không thể bán được trong 2 năm qua, do thị trường đi xuống và thường xuyên bị khách hàng khiếu nại đòi quyền lợi.
Tuy nhiên, với mức giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi dự án đã xong phần xây thô, nên căn hộ Văn Phú Victoria vẫn thu hút được sự quan tâm của không ít khách có nhu cầu về nhà ở thực.
Cũng là một dự án khá nổi tiếng vì thuộc phân khúc nhà giá rẻ. Song việc bán hàng gặp khó khăn đã khiến CTCP Đầu tư Hải Phát phải bán sỉ trên 200 căn hộ Chung cư CT2A - Khu đô thị Tân Tây Đô cho CenGroup.
Dự án Văn Phú Victoria quận Hà Đông đã xong phần xây thô
Và ngay trong đợt mở bán đầu tiên, CenGroup đã giao dịch thanh công gần 100 căn hộ. Để thu hút khách mua nhà trong đợt mở bán lần 2 sắp tới, CenGroup tiếp tục triển khai chương trình tặng vàng cho khách mua nhà, đồng thời hỗ trợ khách hàng vay vốn đến 70% giá trị hợp đồng trong 15 năm, với lãi suất 8%/năm trong 6 tháng đầu.
Nếu chỉ xét về mức hỗ trợ vay vốn, rõ ràng những khách hàng của CenGroup sẽ không tránh khỏi thất vọng.
Bởi mức lãi suất hỗ trợ của công ty này đưa ra còn cao hơn so với mức hỗ trợ lãi suất do CTCP Hải Phát, chủ đầu tư dự án đưa ra trước đó là 6%/năm. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại giá bán kèm theo các chương trình khuyến mại, căn hộ CT2A Tân Tây Đô vẫn nằm trong “tầm ngắm” của không ít khách hàng.
Không chỉ giám giá bán, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, để bán được hàng, dường như càng về cuối năm, các chủ đầu tư càng tung ra những chương trình ưu đãi, khuyến mãi lạ.
Chẳng hạn mới đây, thay vì giảm giá, chủ đầu tư Dự án Watermark trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) đã bán nhà với cam kết sẽ trả lợi tức cho khách hàng ngay từ khi bàn giao căn hộ, lên đến 14% tổng giá trị căn hộ, bất chấp chủ dự án có cho thuê được nhà hay không.
Tập đoàn Nam Cường cũng vừa cho biết sẽ miễn 6 tháng phí dịch vụ và áp dụng mức phí lâu dài với giá 3.000 đồng/m2 tại hàng loạt block chung cư tại Dự án Khu đô thị Dương Nội và Dự án Chung cư Cổ Nhuế. Trong đó, tại Chung cư Cổ Nhuế, Nam Cường vẫn đang tiếp tục mở bán các căn hộ.
Cũng với hình thức này, Vingroup đưa ra gói hỗ trợ miễn 10 năm phí dịch vụ, bên cạnh việc gia tăng thêm nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí ngay tại các khu đô thị đang trong quá trình bàn giao…
Chưa thể đánh giá được những hiệu quả cụ thể của mỗi chương trình chủ đầu tư áp dụng. Nhưng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc giảm giá bán, gia tăng tiện ích và các hỗ trợ khác của chủ đầu tư ít nhiều sẽ thu hút khách hàng mua nhà trong những tháng cuối năm.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, hàng loạt dự án căn hộ tại Hà Nội đang có kế hoạch bán hàng trong tháng 11 với nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng hấp dẫn.
Cụ thể, Dự án SkyView Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) được chủ đầu tư là Công ty TNHH Phú Mỹ An dự kiến mở bán vào khoảng giữa tháng 11 với giá từ 22 - 24 triệu đồng/m2; Dự án Golden West của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma) cũng sẽ mở bán trong tháng 11 với giá từ 22 triệu đồng/m2…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây, tồn kho bất động sản tính đến tháng 9/2013 là 101.889 tỷ đồng, giảm 4.200 tỷ đồng (khoảng 4%) so với tháng 8 và giảm  26.660 tỷ đồng (khoảng 20,7%) so với tháng 3/2013. Tại Hà Nội, tính đến tháng 7, lượng bất động sản tồn kho đã giảm 2.573 tỷ đồng (khoảng 15%) so với tháng trước đó. Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc giảm lượng hàng tồn kho là do doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản phẩm, cơ cấu lại giá bán và có các chính sách khuyến mãi… giúp giá bán trên thực tế giảm đáng kể.

Nguyên Minh (Đầu tư chứng khoán)

Cải tạo chung cư cũ: Phụ thuộc độ “nóng, lạnh” của thị trường

Các công việc được Bộ đề cập đến tại công văn này cũng đã được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần mỗi khi có văn bản hay chỉ đạo liên quan đến chung cư cũ. Dù rất được quan tâm, nhưng thực tế đây vẫn là "mảng" việc chậm chuyển biến.

Chung cư cũ, số liệu cũ

Theo số liệu thống kê, trên cả nước còn tồn tại nhiều công trình chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Những công trình này có quy mô phổ biến từ 2 - 5 tầng. Các chung cư cũ qua thời gian dài sử dụng hầu hết bị thất lạc hồ sơ hoàn thành công trình, hồ sơ thiết kế dẫn tới thiếu căn cứ xác định tuối thọ công trình. Trong quá trình khai thác sử dụng, các công trình hầu như không được bảo trì, sửa chữa định kỳ, công tác cải tạo sửa chữa thường mang tính tự phát theo nhu cầu của người sử dụng, cho đến nay phần lớn đã xuống cấp, hư hỏng, lún, nứt hoặc biến dạng hệ kết cấu chịu lực. Đặc biệt có một số công trình xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn khả năng mất an toàn cho cộng đồng, nhất là trong trường hợp công trình chịu các tác động bất thường như gió bão, động đất, hỏa hoạn,...
Phần lớn các chung cư cũ đã xuống cấp, hư hỏng cần sớm được cải tạo, nâng cấp. Trong ảnh: Khu nhà B2, Tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Yên Chi
Với thực trạng chung cư cũ như trên, nhiều địa phương đã có những giải pháp nhất định nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cải thiện chất lượng môi trường sống và chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, các giải pháp còn thiếu đồng bộ cũng như gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, công tác tái định cư, đền bù… vì vậy, số công trình được sửa chữa, cải tạo, xây mới chiếm tỷ lệ rất thấp so với yêu cầu thực tế. Các số liệu liên quan đến chung cư cũ tại các địa phương từ nhiều năm nay gần như không có sự thay đổi. Có chăng là sự thay đổi của vài chung cư sau khi thực hiện kiểm định được nhận dạng là đã ở cấp D - cấp "nguy hiểm".

Hà Nội là địa phương có nhiều chung cư cũ nhất cả nước và cũng là địa phương "loay hoay" nhiều nhất để tìm phương án giải quyết bài toán này, nhưng kết quả đạt được cũng không đáng là bao. Theo số liệu của đầu năm 2013, Hà Nội mới hoàn thành 1% kế hoạch cải tạo chung cư cũ, trong đó mới chỉ tập trung giải quyết các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D buộc phải di dời để bảo đảm an toàn cho người sử dụng như khu B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn, C7, D6, D2 Giảng Võ... Đến thời điểm này, con số 1% cũng chỉ "nhỉnh" hơn một chút với việc khởi công xây dựng mới chung cư N3 tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

Việc nên làm ngay

Tháng 7/2013, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư, biệt thự cũ xuống cấp trên địa bàn. Nhiều giải pháp đưa ra trong đó có việc cho phép người dân trong phạm vi dự án góp vốn tham gia thực hiện cùng nhà đầu tư. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ Hà Nội đang bế tắc. Thế nhưng chính sách mới là chưa đủ khi thị trường bất động sản vẫn chìm đắm trong cơn bĩ cực. Nhớ lại trước đây, khi thị trường "sốt nóng", có doanh nghiệp còn tìm đủ mọi phương thức, kể cả vượt khung đền bù, hỗ trợ, để giành lấy những dự án cải tạo chung cư cũ có vị trí đẹp. Còn bây giờ, dù dự án có đắc địa thì nhà đầu tư cũng đành "ngoảnh mặt làm ngơ". Một doanh nghiệp chia sẻ, nếu có được hưởng chính sách ưu đãi, được bù đắp bằng một dự án khác khi thực hiện cải tạo chung cư cũ cũng không hấp dẫn được doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường hiện nay. Vấn đề là làm dự án thì bán cho ai. Những dự án "hoán đổi" chắc chắn sẽ ở xa trung tâm. Ở những vị trí đó, nhiều doanh nghiệp được giao đất, đã GPMB còn không dám làm tiếp, huống hồ là triển khai từ đầu (!).

Trở lại với yêu cầu của Bộ Xây dựng gửi tới các địa phương. Thiết nghĩ trong số những vấn đề Bộ đặt ra, có những việc cần phải làm ngay để giảm tốc độ xuống cấp của chung cư cũ và tăng cường hiệu lực quản lý của chính quyền ở những khu vực dân cư này. Theo đó, cần rà soát để đánh giá mức độ hư hỏng, xuống cấp làm căn cứ quyết định việc cải tạo, sửa chữa hoặc phá dỡ, xây mới cũng như cân nhắc phương án di dời dân nếu công trình không còn an toàn. Bên cạnh đó, cần tổ chức lập quy trình, kế hoạch bảo trì đối với chung cư cũ. Việc dài hơi hơn đó là xây dựng lộ trình, kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Song Hà (Kinh tế&đô thị)

“Sóng ngầm” bất động sản

Vingroup chuyển nhượng Vincom Centre A với trị giá xấp xỉ gần 10.000 tỉ đồng
Ở các phân khúc dự án nhà ở cao cấp, bất động sản nghĩ dưỡng, sinh thái, du lịch và đặc biệt các dự án văn phòng cho thuê (office bulding)… nhiều chủ đầu tư vẫn ngóng cổ chờ được giải cứu bằng phương án bán lại, chuyển nhượng tài sản.
Hợp tác đầu tư
Một trong những cách thức đã được nhiều nhà đầu tư bên mua lựa chọn, và được bên bán thuận tình là hợp tác đầu tư cùng phát triển dự án. Về lí thuyết, hợp tác đầu tư thì chẳng liên quan gì đến mua bán, sáp nhập dự án. Vì ở đâu, ở lĩnh vực nào chẳng có những DN, những đối tác cùng hùn hạp, góp vốn, đầu tư. Song thực tế không hẳn vậy.
Trên thị trường địa ốc, hợp tác đầu tư ở thời điểm hiện tại đã được phát triển theo nhiều dạng thức mới, trong đó bao gồm cả dạng thức M&A. Một chủ đầu tư A có đất, có mặt bằng đã được đền bù giải tỏa và thậm chí đã bắt đầu khoanh vùng bưng bít hiện trường để triển khai xây dựng. Nhưng chủ đầu tư A hết tiền. Ngân hàng không cho vay vốn nữa. Nợ đếm theo ngày lên phương án đảo nợ. Chủ đầu tư muốn chờ vốn góp từ các nhà đầu tư sơ cấp để tiếp tục triển khai cũng không dễ dàng. Dự án đóng băng. Để triển khai tiếp, chủ đầu tư A đành chọn phương thức mở cửa mời chủ đầu tư khác cùng hùn hạp đầu tư. Trong khi đó chủ đầu tư khác, tạm gọi chủ đầu tư B, ở thời buổi có tiền là vua như hiện tại, ý thức rõ về lợi thế đồng vốn của mình, cũng muốn tranh thủ sở hữu tài sản giá rẻ, độc quyền phát triển dự án, tự ghi nhận doanh thu và phân phối lợi nhuận về sau. Chủ đầu tư B đàm phán cùng hợp tác đầu tư nhưng thực chất phía sau, đã trả đứt cho chủ đầu tư A một khoản tiền bao gồm đất, chi phí lobby, thậm chí cả lãi vay ngân hàng trong giai đoạn đầu tư, hạ tầng xây dựng (nếu có) và cả chút lợi nhuận tất nhiên thấp hơn kỳ vọng. Danh nghĩa, chủ đầu tư A vẫn đứng tên chủ đầu tư. Còn B là đối tác hợp tác đầu tư, độc quyền phân phối. Kỳ thực A đã “đứng sang một bên” và dự án này đã hoàn toàn thuộc B.
Đó có thể gọi là một hình thức M&A tuy không quá phổ biến vì không có quá nhiều B có tiền, nhưng thực sự đã giúp cho nhiều dự án tiềm năng vì nhiều lí do bị ách tắc tiếp tục có cơ hội sớm ra thị trường. Quan trọng hơn là gỡ khó cho nhiều DN BĐS bên A. Mặt khác, do không mua bán dưới “mác” M&A nên những thông tin liên quan đến dự án cũng đều thuận lợi. Ví dụ, bản thân bên A không bị thị trường nghi hoặc đồn đại là “đại gia A đã hết tiền phải bán dự án”; với đối tượng người mua thì bị đánh động tâm lí, không có cảm giác bị xáo trộn gây nghi ngại về tiến độ hay chất lượng dự án, kết cấu công trình... Phía bên B cũng được thuận lợi khi “chính danh” hợp tác đầu tư và độc quyền phân phối dự án. Sau cùng, quá trình đó trở lại với câu chuyện ban đầu: Do trên thị trường nói chung, hình thức hợp tác đầu tư đã và đang diễn ra rất “thường ngày ở huyện”, nên kiểu M&A dự án qua cánh cửa hợp tác đầu tư, đã không hề gây một chút sóng, dù chỉ là lăn tăn nào, trên thị trường. Mục tiêu cuối cùng mà bên mua kỳ vọng, là giá cả bán ra thị trường của các dự án, sẽ không vì bất cứ con sóng nào, mà đi chệch hướng dự kiến hay có nhiều thay đổi.
Tại thời điểm hiện nay, thậm chí, chỉ cần đi “thực tế hiện trường”, sẽ thấy ở các khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Quận 2, nhiều khu “đất vàng” TP HCM vẫn đang cắm bảng “cần hợp tác đầu tư” - chờ đón những người mua dự án… ngang qua đường (!).
“Phất” nghề tư vấn
“Phất” ở đây, xin giải thích luôn là “phất” về số lượng, chưa hẳn là chất lượng. Ghi nhận từ thị trường cho thấy đã và đang có nhiều Cty đầu tư, đẩy mạnh hướng tư vấn M&A. Thậm chí, có những Cty mới lập ra mà mục tiêu là để đón sóng M&A địa ốc, với việc kết nối vốn ngoại vào các dự án. Mặt khác, cũng có nhiều Cty địa ốc lập bộ phận tư vấn và môi giới M&A.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn - Giám đốc CTCP Đầu tư King Long cho hay sau một thời gian tư vấn đầu tư, tài chính nói chung, ông nhận thấy đây chính là thời điểm đẩy mạnh hoạt động tư vấn M&A và kết nối đầu tư, đặc biệt cho thị trường địa ốc. “Tuy King Long mới thành lập chưa lâu, song ngay sau thành lập, tôi đã có một “vòng” đàm phán với nhiều đối tác ngoại để tìm kiếm dòng vốn cho các dự án trong nước. Từ đó, nhận thấy một điểm chung và rất đáng ngạc nhiên là nhiều quỹ đầu tư, đặc biệt ở khu vực Châu Âu, đang tỏ ra rất quan tâm thị trường BĐS VN, trong khi đó, giá cả địa ốc ở khu vực Châu Âu lại vẫn đang được cho là khá rẻ” - ông Hoàn nói.
Nguồn tin riêng của DĐDN tiết lộ, bên cạnh những quỹ đầu tư “cá mập” lớn rất quan tâm đến thị trường địa ốc và muốn được sở hữu các dự án thông qua việc chờ mua lại nợ của Cty Quản lí tài sản của các TCTD VN VAMC, thì cụ thể nhất hiện tại, đang có một quỹ đầu tư Anh Quốc dự tính rót khoảng 1,5 tỉ USD vào VN với mục tiêu mua lại các dự án văn phòng cao cấp, khách sạn, ở những trung tâm đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Vũng Tàu.
Ông Andy Ho - Giám đốc điều hành VinaCapital, trong một cuộc trao đổi ngắn với DĐDN cũng cho biết, VinaCapital đang rất quan tâm đến các khoản nợ mà VAMC đã mua, đặc biệt là các khoản nợ có tài sản thế chấp bằng BĐS. “Nếu tới đây các quy định pháp lí cho phép các quỹ đầu tư vốn ngoại được mua nợ từ VAMC, VinaCapital chắc chắn sẽ tham gia” - ông Andy Ho nói.
Một Cty CP địa ốc khá danh tiếng ở khu vực phía Nam là Khải Hoàn Group, mới đây Cty con Khải Hoàn Land cũng lập bộ phận tư vấn M&A, triển khai gói dịch vụ tư vấn mua bán sáp nhập mà theo Cty này, là nhằm “đáp ứng kịp thời mong muốn của các DN, các chủ đầu tư – những khách hàng thân thiết bao năm qua, chỉ mới gắn bó với Khải Hoàn Land bằng sợi dây liên lạc giữa cá nhân và cá nhân thì nay, sẽ tiến lên một bước là sự gắn kết giữa các tổ chức với nhau, mang lại nguồn lợi lớn hơn rất nhiều cho các đối tác”. Ông Bùi Xuân Hiền - Phó TGĐ Khải Hoàn Land cho biết với lợi thế có một đội ngũ nhân viên nhiều kinh nghiệm như hiện nay, việc hiểu rõ đối tác và để thúc đẩy các đối tác tiến đến bắt tay nhau là rất thuận lợi (đương nhiên, một thương vụ M&A không giống như mua bán một căn nhà), nhưng Khải Hoàn Land có nhiều nguồn thông tin để kiểm chứng, nhiều dự án để so sánh và quan trọng nhất là có nhiều người bạn cùng chung tay trợ giúp nên thực thi các thương vụ M&A thành công cũng là một phương thức để Khải Hoàn Land thể hiện đẳng cấp trên thị trường.


Không rình rang và có giá trị khủng như các thương vụ M&A đếm được trên đầu ngón tay kiểu Vingroup chuyển nhượng Vincom Centre A với trị giá xấp xỉ gần 10.000 tỉ đồng hay cũng là Vingroup đã bán 20% cổ phần Vincom Retail tương đương 200 triệu USD cho quỹ đầu tư quốc tế Warburg Pincus, hoặc nhỏ hơn chút đỉnh - êm đềm mà vẫn đánh động M&A trong phân khúc khách sạn như Lotte Hotels & Resorts mua lại 70% Khách sạn Legend (quận 1, TP HCM) từ Quỹ Cơ hội VN của VinaCapital bằng một thỏa thuận trị giá 62,5 triệu USD…,  thị trường địa ốc VN đã và vẫn tiếp tục sôi động các hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án. Các hoạt động này đang “chìm” sâu trong lớp ngầm của những dạng thức khác nhau, rất tinh vi và tinh tế nên có thể gọi là sóng ngầm và không dễ thấy. Dù vậy, giới địa ốc vẫn đang tiếp tục hi vọng con sóng như vậy sẽ gom góp lực đẩy đưa con thuyền BĐS vượt qua bãi cạn. Thuyền lớn thì sóng lớn, thuyền nhỏ thì sóng nhỏ. Cách thức nào, giá trị nào, lựa chọn nào mà mang đến nguồn lợi cho càng nhiều bên, thì đó chính là cách thức, lựa chọn càng nên được quan tâm, khuyến khích. Vì nó có lợi cho thị trường!

“Nổi giận” vì diện tích căn hộ: Sự im lặng đáng sợ của Bộ Xây dựng



ăng thẳng đấu tranh diện tích
Gần đây, nhiều người dân tại một số dự án bất động sản đã bức xúc phản đối vì bị thiếu hụt diện tích so với diện tích ghi trong hợp đồng, thậm chí có dự án mà khách mua “đổ máu” chỉ vì mong được đối thoại với chủ đầu tư nhằm làm rõ điều này.
Điển hình như dự án Đại Thanh, Xa La, thời gian qua liên tục xảy ra việc khách hàng khiếu kiện, đòi đối thoại với chủ đầu tư về diện tích bị thiếu hụt sau khi gửi nhiều văn bản mà không được trả lời. 
Khách hàng mua nhà của Công ty xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu bức xúc vì căn hộ bị tính diện tích chẳng theo luật nào, khi chủ đầu tư là  tính theo kích thước tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài căn hộ.
Hàng chục chủ căn hộ ở dự án Keangnam cũng đang khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa án bởi cách tính diện tích căn hộ của chủ đầu tư. Theo phản ánh của các hộ dân, tại hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư đã không công khai “các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản”. Bản vẽ căn hộ Keangnam cung cấp cho khách hàng trong hợp đồng là bản vẽ nhỏ bằng nửa bàn tay, thiếu ghi chú kích thước, tỷ lệ của cột, hộp kỹ thuật.
Đối với những hợp đồng bán căn hộ ký từ năm 2008 cho đến tháng 3/2009, chủ đầu tư đã tính diện tích căn hộ để bán cho khách hàng theo phương pháp đo phủ bì. Với phương pháp phủ bì này, cứ một bức tường phân chia giữa 2 căn hộ liền kề thì chủ đầu tư đã tính tiền 2 lần cho 2 căn hộ cạnh nhau. Chẳng hạn trường hợp bà Đoàn Ngọc Thu do mua 3 căn hộ liền nhau (B3305, B3306, B3307) nên ngoài việc phải bỏ tiền mua cả hộp kỹ thuật diện tích lớn, đã phải mua 2 lần chính bức tường ngăn giữa các căn hộ của mình.
Theo kết quả giám định diện tích sử dụng của cơ quan chức năng thì có căn hộ thiếu tới trên 30m2 so với diện tích ghi trong hợp đồng như căn B606, còn nhiều căn hộ khác như A610, B3306, A1101, A710, B3504, B4511... đều thiếu từ trên 10m2 trở lên.
Nhiều khách hàng mua dự án Lê Văn Lương Residential của Tập đoàn Nam Cường cũng đã tập trung phản đối chủ đầu tư vì bỗng nhiên phải trả thêm tới vài chục triệu đồng cho mỗi căn hộ. Cụ thể, trong hợp đồng mua bán giữa khách hàng với chủ đầu tư ghi rõ phần cột khung, hộp kỹ thuật thuộc sở hữu chung. Tuy nhiên, khi tính diện tích căn hộ chủ đầu tư lại cộng cả diện tích này vào và buộc người mua trả tiền. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn cho là cách tính diện tích căn hộ của mình là đúng theo quy định của pháp luật.
Vì đâu nên nỗi?
Lý do khiến ngày càng “bùng nổ” các tranh chấp, khiếu nại về cách tính diện tích căn hộ tại nhiều dự án là bởi có nhiều quy định của pháp luật về vấn đề này khiến chủ đầu tư “nhập nhằng” trong cách tính.
Theo luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty Luật TNHH YouMe: Việc xác định diện tích sàn căn hộ đã được quy định chi tiết tại Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 01.09.2010. Theo đó, diện tích sàn căn hộ mua bán có thể được xác định theo hai phương pháp, hoặc: tính kích thước thông thuỷ của căn hộ, hoặc: tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ. Về nguyên tắc, hợp đồng mua bán căn hộ sau thời điểm Thông tư số 16/2010/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 16.10.2010, thì việc thỏa thuận diện tích sàn căn hộ trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng phải phù hợp với quy định này.
Thực tế, một số tranh chấp hiện nay, có nguyên do từ việc chủ đầu tư sử dụng cách tính diện tích từ tim tường, trong đó tính phần cột, hộp kỹ thuật… nằm trong diện tích căn hộ để tính tiền khách hàng, thậm chí tính diện tích theo kích thước tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài của căn hộ, nhưng vẫn khẳng định là đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thông tư số 16/2010/TT-BXD.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư số 16/2010/TT-BXD có quy định rõ: “Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư… phải ghi rõ thêm các nội dung: phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn căn hộ mua bán (được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thuỷ của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ)”.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 70 Luật Nhà ở năm 2005 và Điều 49 Nghị định số 71/2010/NĐ_CP đã quy định rõ: “khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ” thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư.
Như vậy, tuy trong Thông tư số 16 không nêu chi tiết rằng, đối với cách tính diện tích căn hộ từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ có bao gồm cảkhung, cột, tường chịu lực hay không, nhưng nếu như phần diện tích sàn chứakhung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộđã được quy định rõ trong Luật Nhà ở (và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ) là phần sở hữu chung, thì không thể “nhập nhằng” tính đây là phần sở hữu riêng của căn hộ để tính vào giá bán căn hộ cho khách hàng.
Về nguyên tắc,các quy định chi tiết tại Thông tư 16 không thể trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71 và (giả thiết) các quy định chi tiết tại Thông tư 16 có khác với quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định 71 thì phải áp dụng quy đinh của có hiệu lực pháp lý cao hơn là Luật Nhà ở và Nghị định 71.
Trường hợp trong hợp đồng mua bán (theo mẫu) do chủ đầu tư đưa ra có thỏa thuận khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ nằm trong diện tích căn hộ, và khác hàng không tham khảo kỹ nên đã ký vào hợp đồng, thì đây cũng là thỏa thuận trái luật nên vô hiệu, thiệt hại (nếu  có) phải do chủ đầu tư gánh chịu.

Tuy nhiên, vì lý gì mà các chủ đầu tư làm trái Luật nhà ở, Nghị định 71, vẫn "hồn nhiên" thu tiền của khách hàng, bỏ ngoài tai bức xúc của khách mua căn hộ, và sự im lặng của Bộ Xây dựng trong vai trò quản lý thị trường bất động sản vẫn đang là điều khó hiểu nhất trên thị trường thời điểm bung bét này.

Bất động sản: “Thị trường đang chứng kiến một xu hướng mới”

Minh bạch và nhiều lựa chọn hơn 

Báo cáo quý 3 của các công ty nghiên cứu thị  trường, trong đó có CBRE đều đưa ra thông tin khá khởi sắc. Có phải niềm tin vào thị trường bất động sản đang được phục hồi, theo ông?

Chúng tôi nhận thấy đang có sự hồi phục về niềm tin trong khoảng ba tháng trở lại đây nhưng khá giới hạn ở phân khúc nhà ở cao cấp, dĩ nhiên là chỉ ở một số dự án nhất định chứ không phải toàn bộ.

Một số yếu tố khác liên quan đến tâm lý và niềm tin của người mua là những kênh đầu tư khác như kênh đầu tư vàng hay lãi suất cũng đã giảm độ hấp dẫn. Khách hàng hiện tại đang cân nhắc nhiều hơn đến việc chuyển sang kênh bất động sản.

Ngoài ra, một số những dấu hiệu về kinh tế vĩ mô, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng có tác động khiến người mua có thêm niềm tin vào thị trường. Với những lý do như vậy, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới niềm tin của người mua sẽ dần hồi phục cùng với nhịp hồi phục của nền kinh tế.

Nhưng người tiêu dùng sẽ “bấu víu” vào  đâu để phục hồi niềm tin khi thực tế, nhiều dự  án bất động sản dang dở, thậm chí “đắp chiếu” dù đã thu phần lớn tiền của khách hàng?

Những dự án đã hoặc sắp hoàn thiện với hạ tầng tiện ích và dịch vụ đầy đủ! Thời điểm nóng cách đây vài năm, nhiều dự án chưa xây hoặc xây dở dang hoặc không đảm bảo tiến độ vẫn có thể bán tốt. Nhưng nay, người mua đã kiểm chứng được dự án nào có khả năng hoàn thiện hoặc có chất lượng thực sự tương xứng giá mua.

Và đó là lý do, trong thời gian một năm trở lại đây, thị trường đang chứng kiến một xu hướng mới: khách hàng đặt niềm tin vào những dự án hoàn thiện đi kèm với hoàn thiện cơ sở dịch vụ tiện ích như bể bơi, sân tennis, nhà hàng, trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí, trường học, y tế, dịch vụ khác…

Những dự án như trên có khả năng bán hàng cao hơn rất nhiều. Điều đó đã được thị trường kiểm chứng với số lượng giao dịch tăng trưởng nghiêng hẳn về dự án đã hoàn thiện.

Chưa bao giờ người mua có nhiều khả năng tiếp cận tới sản phẩm bất động sản cuối cùng và với chủ đầu tư nhiều như hiện nay. Có thể nói, người mua ở thời điểm này có nhiều lựa chọn, tính minh bạch của thị trường tốt hơn 10 năm trước rất nhiều.

Nhà đầu cơ vẫn có đất sống

Dường như thị trường đang thay đổi “thị hiếu” từ các dự án đóng tiền theo tiến độ sang nhà đã hoặc sắp hoàn thiện dạng “chìa khóa trao tay”?

Đúng vậy, đó là vì khách hàng đã thay đổi.

Trước đây, khách hàng chủ yếu là nhà đầu cơ -  những người không quan tâm đến thiết kế ngôi nhà hoặc hạ tầng tiện ích mà chỉ quan tâm đến khả năng thanh khoản nhanh chóng của dự án.

Còn khách hàng của giai đoạn này, chủ yếu là người có nhu cầu mua để ở hoặc mua để cho thuê nên yếu tố chất lượng của căn hộ, ngôi nhà được quan tâm hàng đầu.

Nhưng nếu thị trường chỉ hướng đến đối tượng là người tiêu dùng cuối cùng thì liệu có thể kỳ vọng sự sôi động trở lại được như trước không, thưa ông?

Với điều kiện thị trường như  thế này, hiếm thấy dự án nào mà người mua xếp hàng dài để mua như giai đoạn trước. Tuy nhiên, về dài hạn chúng tôi tin rằng người mua cuối cùng mới là người thực sự chèo lái thị trường. Chính họ mới là người quyết định xem đó có phải kênh đầu tư hấp dẫn hay không.

Vậy, ông cho là nhà đầu cơ đã hết đất sống?

Thực tế, đầu cơ thì thời điểm nào, thị trường nào cũng có.

Có thể thời điểm hiện tại, thị trường chưa sôi động nhưng xét về lâu dài thì tính bền vững thị trường mới quan trọng. Và, người khôn ngoan luôn tìm thấy cơ hội ở một thị trường bền vững, nhiều sản phẩm tốt.

Các dự án có vị trí tốt, cơ sở hạ tầng phát triển, chủ đầu tư uy tín dự kiến sẽ là tâm điểm mới hấp dẫn các nhà đầu cơ trong tương lai.

Tranh chấp chung cư: Ầm ĩ rồi đâu lại vào đấy

Đau đầu cơ quan quản lý
Tòa nhà chung cư cao cấp Golden Westlake đi vào vận hành từ lâu nhưng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chính là vụ việc tranh chấp, khiếu nại về sở hữu tầng hầm và phí trông giữ xe giữa cư dân và chủ đầu tư dự án là Công ty Hà Việt Tung Shing kéo dài suốt mấy năm qua. 
Dù đây là những vụ việc dân sự nhưng căng thẳng đến mức Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã nhiều lần giải quyết, có văn bản hướng dẫn nhưng vụ việc vẫn kéo dài. Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có kết luận vụ tranh chấp tại chung cư này giữa chủ đầu tư và cư dân. Theo đó, UBND thành phố khẳng định đồng ý với kết luận của Thanh tra thành phố từ 5/7/2013.
Tranh chấp tại nhiều khu chung cư kéo dài gây mệt mỏi cho cả cư dân và chủ đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội, việc ban hành văn bản của Sở Tài chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý sử dụng phí trông giữ xe tại tầng hầm toà nhà Golden Westlake trái thẩm quyền, vi phạm Luật Nhà ở là không có cơ sở.
Việc Sở Tài Chính xác định các khoản chi phí điện năng, chi phí khấu hao thiết bị tầng hầm, phí đỗ xe ô tô bao gồm cả thuế VAT và việc thẩm định phí trông giữ xe ô tô tại tầng hầm 151 Thuỵ Khuê không phải thông qua Ban đại diện khu dân cư là đúng quy định của pháp luật.
Theo Thanh tra Thành phố, từ năm 2006 đến năm 2009, Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing thực hiện dự án xây dựng chung cư cao cấp Golden Westlake 151 Thuỵ Khuê. Kết quả kiểm toán của Công ty TNHH Deloitte VN xác định giá vốn của căn hộ chung cư bán ra đã hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp không bao gồm chi phí xây dựng tầng hầm. Hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư và người mua nhà xác định rõ khu vực tầng hầm thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Cách đây không lâu, tòa nhà chung cư Keangnam vừa đi vào hoạt động đã nảy sinh mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư. Đỉnh điểm của sự việc là ban quản lý cắt thang máy của cư dân, người dân thì căng băng rôn khẩu hiệu phản đối và tố cáo ban quản lý. Ngay khi sinh cơ quan chức năng vào cuộc, những tranh chấp đã dần được giải quyết nhưng tới nay nhiều người dân vẫn chưa thực sự hài lòng về phí dịch vụ của tòa nhà. 
Hàng loạt các chung cư cao cấp khác như The Manor, Sky City Láng Hạ, Pacific Lý Thường Kiệt cũng đã nảy sinh hàng loạt tranh chấp.
Lỗi từ nhiều phía
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nguyên nhân dẫn tới các vụ tranh chấp ở chung cư chủ yếu là quy định của pháp luật không rõ ràng và không hợp lý, do đó không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, trong đó vấn đề quan trọng nhất là sỡ hữu chung diện tích để xe.
“Người sử dụng nhà thường đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao, nhưng lại chỉ muốn nộp phí thấp. Ngược lại, chủ đầu tư thì luôn muốn thu nhiều, nhưng lại rất tiết kiệm chi phí. Chính vì thế, khi thấy không được thỏa mãn, hai bên đã diễn ra tranh chấp”, ông Đức nói.
Tranh chấp chủ đầu tư, kiện cáo, dự án, tòa nhà, chung cư, khu đô thị, kiện chủ đầu tư
Hiện nay, các quy định của pháp luật có liên quan đến tranh chấp chung cư được ban hành khá đầy đủ (tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ; tranh chấp liên quan đến diện tích chung - riêng; phí quản lý và bảo trì; chất lượng công trình và bảo hành…), nhưng lại nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Khiếu nại, các nghị định, thông tư hướng dẫn...
 
Theo Luật sư Lê Minh Toàn, một trong những lý do khiến tranh chấp chung cư kéo dài là tình trạng phối hợp và giải quyết của các cơ quan chức năng (UBND các cấp, Tòa án) còn kéo dài, gây bức xúc cho các bên tranh chấp mỗi khi có tranh chấp xảy ra. Nhiều kết luận của các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND các cấp trong việc giải quyết còn nhiều điểm chưa chính xác, không khách quan, thậm chí không đúng luật, khiến cho mâu thuẫn càng thêm trầm trọng. 
 
Do đó, việc nghiên cứu ban hành thống nhất một quy định pháp lý về quản lý chung cư sao cho dễ hiểu, dễ thực thi, để tránh sự chồng chéo, hoặc quy định rải rác trong các văn bản hiện nay là điều cần được tính đến trong việc luật hóa một lĩnh vực dễ bùng phát mâu thuẫn hiện nay.
Theo phản ánh của đại diện nhiều ban quản trị chung cư, mặc dù các cơ quan chức năng đã ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP nhưng các văn bản này chỉ hướng dẫn thực hiện mà không có chế tài khi chủ đầu tư không thực hiện những quy định của luật. 
Để giải quyết các tranh chấp ở chung cư, ông Đức kiến nghị, cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong việc giám sát, bảo đảm chất lượng và cam kết của chủ đầu tư, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Các cơ quan quản lý phải vào cuộc bắt buộc chủ đầu tư phải bàn giao quyền quản lý chung cư theo đúng quy định của pháp luật.
Những vụ lùm xùm này xảy ra ở các chung cư này không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân mà còn khiến cho người dân và những người đang có nhu cầu mua chung cư mất hết lòng tin vào loại hình nhà ở này và nó cũng khiến cho các cơ quan chức năng không khỏi đau đầu.

Vụ đơn thư của ông Huỳnh Uy Dũng: Nhằm trốn tránh trách nhiệm!

Trước những thông tin trên một số tờ báo phản ánh về việc ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) Đại Nam khiếu nại, thắc mắc tỉnh Bình Dương gây khó khăn trong việc triển khai Dự án Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3, ngày 30-10-2013, UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung về vụ việc và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng…

Đọc nhiều

Bình Dương làm đúng pháp luật
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của UBND tỉnh Bình Dương nêu rõ: Sau khi Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (KLH) được quyết định thành lập, Công ty CP Sóng Thần (nay là Công ty CP Đại Nam) có văn bản đề nghị UBND tỉnh giao đất để đầu tư KCN. UBND tỉnh đã xem xét và giao cho công ty này với diện tích 533,8 ha đất công nghiệp trong KLH để đầu tư KCN Sóng Thần 3 - là KCN tập trung theo đúng quy định tại Quyết định 522/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai là 410,41 tỷ đồng.
Theo quy định của pháp luật thời điểm hình thành KLH và các quy định của pháp luật hiện hành, trong KCN tập trung luôn được xác định là chỉ xây dựng các công trình phục vụ trong KCN mà không hình thành khu dân cư… Vấn đề này luôn được UBND tỉnh Bình Dương quán triệt thực hiện và thể hiện tại Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Sóng Thần 3 trên cơ sở quy hoạch do Công ty CP Sóng Thần lập và thẩm định đề nghị của Sở Xây dựng. Cụ thể: Tại Quyết định số 2940/QĐ-CT ngày 22-6-2006 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Sóng Thần 3 thuộc KLH với quy hoạch sử dụng đất như sau: Đất hành chính, dịch vụ, kho bãi và khu ở (71,388 ha); đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp (319,729 ha); đất xây dựng công trình kỹ thuật (7,242 ha) và đất giao thông (80,634 ha). Đối với khu ở (61,5 ha) thuộc quy hoạch khu hành chính, dịch vụ, kho bãi, khu ở (71,388 ha) là công trình nằm trong KCN tập trung được chủ đầu tư cam kết là để xây dựng chung cư cao trên 3 tầng, phục vụ cho công nhân, chuyên gia và những người làm việc trong KCN theo đúng quy định pháp luật.
Như vậy, quá trình phê duyệt dự án, giao đất và thực hiện phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 cho chủ đầu tư (rất nhiều người hiểu nhầm quy hoạch 1/500, rồi hiểu nhầm UBND tỉnh không phê duyệt quy hoạch chi tiết - PV), UBND tỉnh luôn thực hiện theo đúng quy định và thống nhất KCN Sóng Thần 3 là một KCN tập trung.
Một góc KCN Sóng Thần 3, do Công ty Cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư
Chủ đầu tư  “phân lô, bán nền”…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương trình Thủ tướng, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết được phê duyệt, chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã lợi dụng, chuyển diện tích đất thuộc khu ở (61,5 ha) sang làm khu dân cư tự phát trong KCN. Cụ thể: Từ tháng 10-2008, chủ đầu tư đã “phân lô” với diện tích từ 100 - 120m2/lô, giá bán từ 1,8 triệu đồng - 3 triệu đồng/m2, tùy theo vị trí. Việc chủ đầu tư tự ý phân lô, bán nền là không đúng với quy định của pháp luật về sử dụng đất trong KCN và quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Do vậy, ngày 14-11-2008, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3259/UBND-KTTH, yêu cầu chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 nghiêm túc chấp hành và triển khai thực hiện KCN theo đúng quy hoạch chi tiết được duyệt, bảo đảm đúng cơ cấu sử dụng đất; đặc biệt đối với diện tích quy hoạch khu ở phải sử dụng đúng mục đích, chỉ sử dụng phục vụ cho đối tượng là các chuyên gia, nhân viên và công nhân làm trong KCN, không được chuyển nhượng cũng như sử dụng vào mục đích khác.
Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp tục “huy động vốn” theo hình thức phân lô, bán nền. Tình hình này diễn ra rất sôi động, không những bán cho đối tượng trong tỉnh, chủ đầu tư còn bán cho những người ngoài tỉnh với số lượng lớn, tình trạng mua đi, bán lại diễn ra công khai, tác động đến công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển KLH. Vì vậy ngày 24-8-2009, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn 2460/UBND-KTTH về kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3. Kết quả tới thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đã phân ra 2.630 lô đất với diện tích 32,3 ha và thu tiền bán đất nền với tổng số tiền 414,3 tỷ đồng. Trước tình hình này, Tỉnh ủy Bình Dương đã họp và ban hành Thông báo số 339/TB-TU ngày 5-10-2009 kết luận: KCN Sóng Thần 3 chưa đi vào hoạt động nhưng chủ đầu tư đã tiến hành chuyển nhượng đất dưới hình thức góp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng (thực chất là phân lô, bán nền) là sai với quy hoạch được duyệt và trái với quy định pháp luật; đồng thời không chấp nhận việc chuyển nhượng đất ở trong KCN dưới bất cứ hình thức nào. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3184/UBND-KTTH ngày 21-10-2009, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với khu chức năng (hành chính - dịch vụ - kho bãi, khu ở) đúng theo quy hoạch chi tiết được duyệt và không cho phép chuyển nhượng khu đất ở trong KCN dưới bất kỳ hình thức nào.
Trên thực tế, Công ty CP Đại Nam đã không thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp tục kiến nghị, nhiều lần nộp hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết, lần 1 vào ngày 17-3-2009, lần 2 vào ngày 15-7-2010 và lần 3 vào ngày 6-6-2012; đồng thời xin chia tách dự án làm 2, theo hướng giảm đất công nghiệp và tăng đất dân cư đô thị. Việc xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết của chủ đầu tư nhằm hợp thức hóa diện tích đất khu ở đã phân lô, bán nền và tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp tục kinh doanh bất động sản trái phép. Xét thấy việc xin điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư sẽ phá vỡ quy hoạch chung KLH theo đề án được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, UBND tỉnh không xem xét kiến nghị của chủ đầu tư; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy hoạch đã được duyệt (Công văn số 3259/UBND-KTTH ngày 14-11-2008 và Công văn số 3184/UBND-KTTH ngày 21-10-2009); chỉ đạo Sở Xây dựng trả lời, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện. (Sở Xây dựng đã có Công văn số 1056/SXD-KT, QHXD ngày 9-7-2012).
… và trốn tránh trách nhiệm
Việc Công ty CP Đại Nam sử dụng đất quy hoạch các công trình phục vụ (khu ở) trong KCN Sóng Thần 3 để thỏa thuận góp vốn đầu tư hạ tầng (thực chất là phân lô, bán nền) là việc làm trái quy định của pháp luật, trái với quy hoạch được duyệt, phá vỡ quy hoạch chung KLH, tạo tiền lệ xấu, gây tác động tiêu cực đến các chủ đầu tư khác, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh. Chủ đầu tư đã lợi dụng việc thỏa thuận góp vốn để mua bán, sang nhượng đất sai mục đích, sai đối tượng để hưởng chênh lệch địa tô lớn, tạo dư luận xấu trong công nhân của công ty; đặc biệt đã gây ra nhiều bức xúc và tạo phản ứng gay gắt từ các hộ dân thuộc diện giải tỏa đền bù trong vùng dự án, gây khó khăn cho quy hoạch các dự án trong tương lai, có nguy cơ gây ra điểm nóng về an ninh trật tự, khiếu nại khiếu kiện của người dân…
“…Việc chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đưa lên báo chí, cho rằng tỉnh Bình Dương chậm giải quyết theo đề nghị của doanh nghiệp, thực chất là trốn tránh trách nhiệm với các đối tượng mà chủ đầu tư đã nhận tiền từ việc thực hiện phân lô, bán nền dưới hình thức thỏa thuận góp vốn; đồng thời đổ lỗi cho tỉnh nhằm hợp thức hóa việc làm sai trái của chủ đầu tư…”, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ của UBND tỉnh Bình Dương khẳng định.
Thành Sơn (Báo Bình Dương)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email:banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Chung cư Xuân Mai Tower, Xuân Mai tower khuyến mãi lớn

Chung cư Xuân Mai Tower

Chung cư Xuân Mai Tower là tòa nhà cao tầng hỗn hợp nhà ở, văn phòng, dịch vụ CT2 – Khu trung tâm hành chính mới quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. tọa lạc ngay Trung tâm hành chính mới quận Hà Đông tiện đường đi lại, gần gũi thiên nhiên. Tại Xuân Mai Tower có thể dễ dàng tiếp cận các tiện ích phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và dịch vụ công cộng sẵn có trong khu vực, cách ga tàu điện trên cao chỉ 5 phút đi bộ, cách trung tâm Hà Nội cũ khoảng 25 phút đi bằng tàu điện là phương tiện chủ yếu trong tương lại, nằm cạnh công viên thể thao 100ha, tận hưởng không gian sống trong lành từ lá phổi xanh của toàn khu.
can ho xuan mai tower Chung cư Xuân Mai Tower
Phối cảnh chung cư xuân mai tower

THÔNG TIN DỰ ÁN XUÂN MAI TOWER:
  • Chủ đầu tư: Công ty CP Bê tông và XD Vinaconex Xuân Mai
  • Thi công: Vinaconex Xuân Mai
  • Vị trí: Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội
  • Quy mô dự án: 5,930m2
  • Tầng cao công trình: 30 tầng và 2 tầng hầm
  • Giá bán: 14 triệu/m2 ( chưa gồm VAT)
Cơ hội sở hữu ngôi nhà đẹp như trong mơ, vị trí đắc địa với giá cực kì hấp dẫn. 
Liên hệ ngay với đội ngũ của chúng tôi để biết thêm chi tiết:
Hotline: 093 234 5251 – 0979 355 340

LÝ DO CHÚNG TÔI KHUYÊN BẠN NÊN MUA DỰ ÁN CHUNG CƯ XUÂN MAI TOWER:
1. Căn hộ ở vị trí trung tâm, đầy đủ tiên ích thương mại:
  • Nằm ở trung tâm hành chính quận Hà Đông, cách trạm dừng tuyến tàu điện trên cao đi Hồ Gươm chỉ 5phút đi bộ
2. Đầy đủ tiện ích mua sắm, y tế, học tập, vui chơi cho con cái 
  • Thuộc trung tâm mua sắm của Hà Đông: Ngay gần là Metro Hà Đông, Mê Linh Plaza.,.
  • Cách trường chuyên Nguyễn Huệ 450m2, cách Viện 103 4 phút chạy xe. 
  • Sát ngay lá phổi xanh: công viên thể thao rộng 100ha. 
3. Thiết kế căn hộ rông rãi, yên tâm để an cư lâu dài. Nhưng giá thành phải vừa túi tiền. 
  • Có 2 diện tích chính 119,74 m2 và 128,77 m2 với thiết kế 3 phòng ngủ phù hợp cho quy mô gia đình bố mẹ và 2 con trở lên. Đây sẽ là ngôi nhà gắn bó kể cả khi con cái đã lập gia đình.
  • Tuy nhiên, với mức giá 15,4 triệu ( gồm VAT & 2% phí bảo trì ) mức giá quá cạnh tranh so với dự án Huyndai Hillstate ( 26 triệu/m2) thì tổng giá căn hộ chỉ ở mức 1,8 tỷ.
*** Sự xuất hiện của dự án Xuân Mai Tower để chúng tỏ đã đến thời kì cho những người mua nhu cầu thực.

Liên hệ ngay với với đội ngũ của chúng tôi để là sở hữu những căn đẹp nhất:
Hotline: 093 234 5251 – 0979 355 340

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Giá chung cư Hà Đông 12-17 triệu đồng/m2

Theo ghi nhận tại các văn phòng nhà đất, phân khúc căn hộ chung cư tầm trung tại quận Hà Đông đang dao động quanh ngưỡng 12,7 -17 triệu đồng đồng/m2.

Đơn cử, dự án chung cư CT12 Văn Phú hiện đang chào bán giá xấp xỉ 13 triệu đồng/m2, chung cư Nam Xa La mở bán giá bán 13,5 triệu đồng/m2, diện tích từ 70m2 đến 85m2; Chung cư HUD3 Tower mới đây cũng đã hạ giá xuống còn 15,3 triệu đồng/m2,…
Dự án The Sun Garden (89 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội) vừa được chủ đầu tư tung hàng ra thị trường với mức giá từ 14 triệu đồng/m2 đến 16 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), diện tích căn hộ dao động từ 67m2 đến 103m2.
Giá chung cư Hà Đông 12-17 triệu đồng/m2
Ảnh minh họa
Dự án chung cư tại dự án Kim Văn – Kim Lũ (Golden Silk) ở Đại Kim, Hà Nội đang gây “sốt” thị trường với mức giá được các môi giới đưa ra từ 13 – 15 triệu đồng/m2, tức là chỉ khoảng 500 triệu đồng/căn hộ.
Trước đó, tổ hợp chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) cũng từng gây sốc thị trường khi đưa ra các căn hộ có giá từ 10 – 14 triệu đồng/m2. Các căn có diện tích từ 42 - 66m2, tương đương mỗi căn hộ có giá dao động từ gần 600 – 988 triệu đồng. Dự án dự kiến sẽ bàn giao nhà vào năm 2014.
Theo chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý II/2013 của một số khu vực trên địa bàn TP vừa được Sở Xây dựng công bố, thì tất cả các phân khúc căn hộ từ cao cấp, trung cấp, bình dân tại các quận đều giảm mạnh so với thời điểm so sánh gốc là quý I/2011.
Trong đó, Hà Đông có mức giá giảm mạnh nhất là 33%, chung cư cao cấp một số quận như Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân giảm khoảng 17-28%, căn hộ quận Hoàng Mai giảm khoảng 20%.