Trước đây, khi nhận định về những khó khăn của thị trường BĐS, TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, đây là hệ quả của việc thị trường mở rộng quy mô, DN mở rộng quy mô và lĩnh vực hoạt động trong suốt giai đoạn 2005 - 2007. Từ DN nhà nước đến khu vực tư nhân, đâu đâu cũng bỏ tiền vào BĐS, thậm chí, tình trạng này đã trở thành trào lưu.
Không ít DN thời đó bày tỏ ý định, chỉ cần tìm được dự án, xin được giấy phép là ổn vì thiếu vốn có thể gọi vốn từ nhà đầu tư khác, không đầu tư thì chuyển nhượng lại cho đối tác, hoặc có thể huy động vốn từ khách hàng để triển khai...
Chính suy nghĩ này đã khiến không ít DN lâm vào cảnh "thiếu trước hụt sau" khi thị trường giảm nhiệt. Đầu tư phát triển BĐS không đơn thuần là chuyện xây một ngôi nhà lên và để đó! Đây là cuộc làm ăn của những người có kinh nghiệm, kiến thức, tiềm lực tài chính và mối quan tâm thật sự.
Bắt đầu từ đầu năm 2014, bên cạnh việc thoái vốn (bắt buộc) của các DN nhà nước khỏi BĐS thì một số DN tư nhân cũng rục rịch rút lui. Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã "khai tử" công ty con chuyên về BĐS, dù thực tế, công ty này chưa tiến sâu vào đầu tư lĩnh vực BĐS.
Mới đây, tại Đại hội cổ đông thường niên 2014, đại diện Tập đoàn Hòa Phát tuyên bố, về dài hạn, BĐS không còn là một trong hai mảng kinh doanh chiến lược của Công ty (cùng với sản xuất thép). Trong thời gian tới, Hòa Phát chỉ tập trung hoàn tất nốt các dự án đang thực hiện (như dự án Kim Đồng, Hà Nội).
Trong khi đó, Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho biết, năm nay có kế hoạch thoái vốn ra khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, nhưng sẽ không thoái vốn bằng mọi giá mà phải tìm kiếm đối tác phù hợp, đặc biệt, với mảng BĐS sẽ còn phụ thuộc vào vấn đề giá cả.
Có thể thấy, việc thoái vốn khỏi BĐS của các DN trong thời điểm này là điều cần thiết, nếu không nói là chậm. Vì cái nghịch lý của thị trường Việt Nam là nhảy vào đầu tư khi thị trường lên cao, và thoát ra lúc thị trường xuống dốc.
BĐS là ngành đòi hỏi DN phải có nguồn vốn mạnh để đi đường trường, vì để có sản phẩm, DN phải bỏ ra chi phí đầu tư khá cao từ công đoạn lập dự án, ra giấy phép dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, thiết kế...
Nếu không có tài chính vững vàng và kinh nghiệm, DN dễ lún sâu vào chuyện nợ nần mà xao nhãng ngành nghề kinh doanh truyền thống vốn là thế mạnh cũng đồng thời là cần câu cơm nuôi sống chính DN mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét