Những dự án thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội thời gian qua phần lớn là các dự án ở xa trung tâm và không phải người thu nhập thấp nào cũng sẵn sàng mua.
Nằm tại huyện Mê Linh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, dự án nhà ở xã hội CT-08 khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 đã hoàn thành xong phần hạ tầng, chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng. Chủ đầu tư dự án cho biết, hiện đã có gần 100 người đăng ký mua tại dự án này và kỳ vọng số người quan tâm sẽ còn nhiều hơn trong thời gian tới.
Theo dự kiến, giá nhà ở xã hội tại dự án này có giá khoảng 8,5 triệu đồng/m2 với diện tích 32-69 m2 thì mỗi căn hộ ở đây có giá khoảng 300-600 triệu đồng. Tuy nhiên bán được hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác khi dự án này cách xa Hà Nội từ 30-40 km.
Ảnh: VTV News
|
Với mức giá 8,5 triệu đồng/m2, một căn hộ có diện tích trên 50 m2 cũng mất khoảng 500 triệu đồng. Trong khi đó, nếu có số tiền trên tại Mê Linh hoàn toàn có thể mua đất và xây một căn nhà cấp 4. Đó cũng là điều mà anh Đạt đang làm việc tại huyện Mê Linh phân vân.
Anh Lê Văn Đạt, người đăng ký mua nhà ở xã hội cho biết: "Từ 300-500 triệu đồng, tôi có thể mua được đất và xây được căn nhà 1 tầng. Vấn đề là với cán bộ công chức, để có ngay lập tức 300-500 triệu một lúc lại rất khó".
Chị Minh, một cán bộ công tác tại huyện Mê Linh cũng cho biết, phần lớn những người đăng ký mua là cán bộ làm việc trên địa bàn chứ không có ai ở trung tâm thành phố về đây mua nhà. Còn lý do gia đình chị đăng ký mua vì được tiếp cận với gói vay 30.000 tỷ đồng của ngân hàng. Nghĩa là, chỉ cần lo 20% tiền sau đó được vay trả góp trong vòng 10 năm với lãi suất 6%/năm. Trong lúc không đủ tiền thì đây là bài toán tài chính khả thi nhất.
Không chỉ ở Hà Nội mà những dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM ở xa trung tâm cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí còn ế nặng. Một số dự án nhà ở xã hội tại Hóc Môn, Tân Bình xây dựng để bán hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên UBND thành phố, nhưng cũng không mấy người mua do quá xa so với nơi làm việc. Trong khi đó, bán cho người dân tại khu vực thì họ không mua do giá đất nền tại những khu vực này còn đang rất rẻ.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, cần phải có cách nhìn thị trường hơn với nhà ở xã hội, giá rẻ chưa phải là yếu tố quyết định.
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch một công ty BĐS cho rằng: "Đối với bất động sản, để người dân lựa chọn thì yếu tố quan trọng là vị trí, tiếp đó là giá cả, dịch vụ tiện ích và an ninh tốt. Dự án nào đáp ứng đủ yêu cầu đó thì khách hàng sẽ lựa chọn".
Hiện cả nước có khoảng 50 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, phần lớn là các dự án nằm ở xa trung tâm. Để đẩy được hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp tính toán, nếu chuyển sang nhà ở xã hội, họ sẽ "né" được sức ép phải nộp tiền sử dụng đất lại vừa có thể giảm giá để dễ bán hàng.
Tuy nhiên có bán dễ như kỳ vọng hay không lại là một câu chuyển khác bởi không phải người thu nhập thấp nào cũng chấp nhận mua xa với giá rẻ, để mỗi ngày họ phải di chuyển tới 15-20 km để đi làm cộng với một loạt chi phí phát sinh trong khi họ là đối tượng thu nhập thấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét